Một số điểm đổi mới nổi bật trong Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT và đảm bảo phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018

- Đảm bảo đánh giá các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 về các môn học/hoạt động giáo dục, phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi (những năng lực chung và những năng lực đặc thù).

- Bổ sung nội dung về phương pháp, kĩ thuật và một số công cụ đánh giá, đảm bảo đúng thành phần theo lý thuyết khoa học về đánh giá, gồm: phạm vi, đối tượng, nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp, kỹ thuật và quy trình đánh giá. Ngoài ra, quy định này giúp định hướng cho giáo viên các phương pháp, cách thức tiến hành trong quá trình đánh giá học sinh, phù hợp với lứa tuổi tiểu học và cụ thể hoá Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Các câu hỏi/bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, được thể hiện bằng 03 mức độ thay vì 04 mức độ như hiện hành theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, nhằm đảm bảo thống nhất với cách tiếp cận của các cấp học trên và các nước tiên tiến trên thế giới và tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi/bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kỳ.

- Quy định về "tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục", "hồ sơ đánh giá", cũng là những điểm mới của Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT. Điều này nhằm tường minh hoá quá trình đánh giá, đồng thời đảm bảo kết cấu chặt chẽ, hợp logic về mặt hình thức, tạo thành quy trình hoàn chỉnh trong đánh giá gồm đủ các hình thức: đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ; tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục; sử dụng kết quả đánh giá. Trong đó, lưu tâm đến quy định hồ sơ, học bạ điện tử được sử dụng tại mỗi cơ sở giáo dục phổ thông.

- Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT cụ thể hoá việc viết trên giấy khen nhằm khắc phục hạn chế tiêu cực về việc khen thưởng; chỉ khen thưởng những học sinh thực sự xuất sắc và xứng đáng, được tập thể lớp công nhận. Theo đó, đối với việc khen thưởng cuối năm học chỉ sử dụng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc và danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận. Hình thức viết trên giấy khen vào cuối năm học được ghi theo danh hiệu đạt được nên tạo thuận lợi cho giáo viên và khắc phục một số hạn chế hiện nay.

Bên cạnh đó, Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định hình thức "thư khen", cụ thể "Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt” nhằm động viên kịp thời những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

Phương pháp đánh giá học sinh tiểu học

Một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh gồm:

a) Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Quan sát là nhóm phương pháp chủ yếu mà giáo viên thường sử dụng để thu thập dữ liệu kiểm tra đánh giá. Quan sát bao hàm việc theo dõi hoặc xem xét học sinh thực hiện các hoạt động (quan sát quá trình) hoặc nhận xét một sản phẩm do học sinh làm ra (quan sát sản phẩm).

Quan sát quá trình: đòi hỏi trong thời gian quan sát, giáo viên phải chú ý đến những hành vi của học sinh như: phát âm sai từ trong môn tập đọc, sự tương tác (tranh luận, chia sẻ các suy nghĩ, biểu lộ cảm xúc...) giữa các học sinh với nhau trong nhóm, nói chuyện riêng trong lớp, bắt nạt các học sinh khác, mất tập trung, có vẻ mặt căng thẳng, lo lắng, lúng túng,... hay hào hứng, giơ tay phát biểu trong giờ học, ngồi im thụ động hoặc không ngồi yên được quá ba phút...

Quan sát sản phẩm: Học sinh phải tạo ra sản phẩm cụ thể, là bằng chứng của sự vận dụng các kiến thức đã học. Những sản phẩm rất đa dạng: bài luận ngắn, bài tập nhóm, báo cáo ghi chép/bài tập môn khoa học, báo cáo khoa học, báo cáo thực hành, biểu đồ, biểu bảng theo chủ đề, vẽ một bức tranh tĩnh vật, tạo ra được một dụng cụ thực hành/ thí nghiệm… Học sinh phải tự trình bày sản phẩm của mình, còn giáo viên đánh giá sự tiến bộ hoặc xem xét quá trình làm ra sản phẩm đó. Giáo viên sẽ quan sát và cho ý kiến đánh giá về sản phẩm, giúp các em hoàn thiện sản phẩm.

Một số quan sát được tiến hành có chủ định và định trước, như trong trường hợp giáo viên đánh giá học sinh khi các em đọc bài trong nhóm tập đọc hoặc trình bày một báo cáo trước lớp. Trong những tình huống như thế, giáo viên có thể quan sát một tập hợp các hành vi ứng xử của học sinh. Ví dụ, khi học sinh đọc bài trước lớp, giáo viên có thể theo dõi và lắng nghe xem học sinh phát âm từ vựng có rõ ràng không, có lên xuống giọng để nhấn mạnh các điểm quan trọng không, có thường xuyên ngước lên nhìn trong khi đọc hay không, có thể hiện sự tự tin, hiểu sâu bài hay không... Những quan sát như thế đã được định sẵn nên giáo viên có thời gian để chuẩn bị cho học sinh và xác định trước từng hành vi cụ thể nào sẽ được quan sát.

Một số các quan sát khác của giáo viên lại không chủ định và ngẫu nhiên, như khi giáo viên thấy hai học sinh nói chuyện thay vì thảo luận bài học, nhận thấy một em học sinh có biểu hiện tổn thương khi bị bạn cùng lớp trêu chọc về quần áo của mình, hoặc nhìn thấy một học sinh bồn chồn, ngồi không yên và luôn nhìn ra cửa sổ trong suốt giờ khoa học... Những quan sát tự phát như thế, dựa trên những bắt gặp bất chợt khi “quan sát học sinh”, phản ánh những chuyện xảy ra thoáng qua không định sẵn mà giáo viên ghi nhận được và phải suy nghĩ, diễn giải. Các quan sát chủ định và ngẫu nhiên của giáo viên đều là những kĩ thuật thu thập thông tin quan trọng trong lớp học.

b) Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.

- Đánh giá qua hồ sơ học tập là việc giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.

Hồ sơ học tập là tài liệu minh chứng cho sự tiến bộ củ ahọc sinh, trong đó học sinh tự đánh giá về bản thân, nêu những điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của mình, tự ghi lại kết quả học tập trong quá trình học tập của mình, tự đánh giá đối chiếu với mục tiêu học tập đã đặt ra để nhận ra sự tiến bộ hoặc chưa tiến bộ, tìm nguyên nhân và cách khắc phục trong thời gian tiếp theo,… Hồ sơ học tập là một bằng chứng về những điều học sinh đã tiếp thu được.

Hồ sơ học tập được sử dụng để xác định và điều chỉnh quá trình học tập của học sinh cũng như đánh giá hoạt động và mức độ đạt được. Tùy mục tiêu dạy học mà giáo viên có thể yêu cầu học sinh xây dựng các loại hồ sơ học tập khác nhau nhằm mục đích như: tự xây dựng kế hoạch học tập, xác định mục tiêu, động cơ học tập, tự đánh giá,…

Đánh giá qua hồ sơ là sự theo dõi, trao đổi những ghi chép, lưu giữ của chính học sinh về những gì các em đã nói, đã làm, cũng như ý thức, thái độ của học sinh với quá trình học tập của mình cũng như với mọi người… Qua đó giúp học sinh thấy được những tiến bộ của mình và giáo viên thấy được khả năng của từng học sinh, từ đó giáo viên sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp hoạt động dạy học và giáo dục.

- Sản phẩm học tập là kết quả của hoạt động học tập của học sinh, là bằng chứng của sự vận dụng kiến thức, kĩ năng mà học sinh đã có. Thông qua sản phẩm học tập, giáo viên đánh giá sự tiến bộ của học sinh, đánh giá quá trình tạo ra sản phẩm và đánh giá mức độ đạt được các năng lực của học sinh.

c) Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi-đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Vấn đáp thuộc nhóm phương pháp chủ yếu mà giáo viên thường sử dụng để thu thập dữ liệu trong kiểm tra đánh giá trên lớp thông qua việc hỏi-đáp. Đây là phương pháp giáo viên đặt câu hỏi và học sinh trả lời câu hỏi (hoặc ngược lại), nhằm rút ra những kết luận, những tri thức mới mà học sinh cần nắm, hoặc nhằm tổng kết, củng cố, kiểm tra mở rộng, đào sâu những tri thức mà học sinh đã học. Phương pháp vấn đáp cung cấp rất nhiều thông tin chính thức và không chính thức về học sinh.

Tuỳ theo vị trí của phương pháp vấn đáp trong quá trình dạy học, cũng như tuỳ theo mục đích, nội dung của bài học, người ta phân biệt những dạng vấn đáp cơ bản sau:

– Vấn đáp gợi mở: là hình thức giáo viên khéo léo đặt những câu hỏi gợi mở dẫn dắt học sinh suy nghĩ, rút ra những nhận xét, những kết luận cần thiết từ những sự kiện đã quan sát được hoặc những tài liệu đã học được, được sử dụng khi cung cấp tri thức mới.

Giáo viên sử dụng phương pháp này để dẫn dắt học sinh, giúp học sinh tự tìm ra lời giải thích hợp lý. Ví dụ: Điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất ngừng quay?

Hình thức này có tác dụng khơi dậy tính tích cực của học sinh rất mạnh, nhưng cũng đòi hỏi giáo viên phải khéo léo, tránh đi đường vòng, lan man, xa vấn đề.

– Vấn đáp củng cố: được sử dụng sau khi giảng tri thức mới, giúp học sinh củng cố được những tri thức cơ bản nhất và hệ thống hoá chúng: mở rộng và đào sâu những tri thức đã thu lượm được, khắc phục tính thiếu chính xác của việc nắm tri thức.

– Vấn đáp tổng kết: được sử dụng khi cần dẫn dắt học sinh khái quát hoá, hệ thống hoá những tri thức đã học sau một vấn đề, một phần, một chương hay một môn học nhất định. Dạng vấn đáp này giúp học sinh phát triển năng lực khái quát hoá, hệ thống hoá, tránh nắm bắt những đơn vị tri thức rời rạc – giúp cho các em phát huy tính mềm dẻo của tư duy.

– Vấn đáp kiểm tra: được sử dụng trước, trong và sau giờ giảng hoặc sau một vài bài học, giúp giáo viên kiểm tra tri thức học sinh một cách nhanh gọn kịp thời để có thể bổ sung, củng cố tri thức ngay nếu cần thiết. Điều này cũng giúp học sinh tự kiểm tra tri thức của bản thân.

– Vấn đáp trong đánh giá năng lực và phẩm chất: được sử dụng trong các hoạt động trải nghiệm thực tế, các cuộc thi tìm hiểu (như trò chơi rung chuông vàng, đường lên đỉnh Olympia...). Ví dụ: sau một hoạt động trải nghiệm, học sinh được yêu cầu trả lời một số câu hỏi (Điều bổ ích nhất qua hoạt động trải nghiệm này là gì?... những điều gì cần rút kinh nghiệm?) hoặc yêu cầu học sinh đưa ra một số các câu hỏi/kiến nghị... 

Như vậy là tuỳ vào mục đích và nội dung bài học, giáo viên có thể sử dụng một trong bốn hoặc cả bốn dạng vấn đáp nêu trên. Ví dụ: Khi dạy bài mới, giáo viên dùng dạng vấn đáp gợi mở: sau khi đã cung cấp tri thức mới, dùng vấn đáp củng cố để đảm bảo học sinh nắm chắc và đầy đủ tri thức; cuối giờ, dùng vấn đáp kiểm tra để có thông tin ngược kịp thời từ phía học sinh.

d) Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của chương trình, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.

Kiểm tra viết đề cập đến phương pháp kiểm tra, đánh giá mà giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo năng lực, trong đó học sinh viết câu trả lời cho các câu hỏi hoặc vấn đề vào giấy để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá. Đây chính là nhóm phương pháp kiểm tra, đánh giá kiểu truyền thống. Khi học sinh làm một bài kiểm tra trắc nghiệm đa lựa chọn, hoàn thành một bài tập về nhà dạng viết luận, viết một bản báo cáo, vẽ một bức tranh, viết một bài luận, hoặc điền vào một bảng ma trận ghi nhớ, bảng ma trận đặc trưng..., tức là các em đang cung cấp các chứng cứ bằng giấy mực cho giáo viên. Một trong các kỹ thuật đánh giá thường xuyên bằng phương pháp viết phổ biến nhất là cho học sinh làm bài kiểm tra viết với hai hình thức phổ biến: trắc nghiệm đa chọn lựa và tự luận

Các câu hỏi trắc nghiệm đa lựa chọn, câu hỏi kiểm tra đúng-sai và câu hỏi kiểm tra ghép đôi được gọi là câu hỏi chọn lựa (câu hỏi đóng), bởi vì như tên của nó đã ngụ ý, học sinh phải trả lời cho mỗi câu hỏi bằng cách chọn một câu trả lời từ các tùy chọn cho sẵn. Câu hỏi dạng mở đòi hỏi học sinh phải tự trả lời. Độ dài của câu trả lời có thể thay đổi đáng kể. Ví dụ yêu cầu viết bài tự luận bắt buộc học sinh phải trả lời dài và chi tiết, còn với bài “điền vào chỗ trống” hay một câu trả lời ngắn chỉ yêu cầu học sinh trả lời bằng một từ hay một cụm từ mà thôi. Câu hỏi dạng cung cấp thông tin đa chiều, thông tin tổng hợp, phức tạp, bộ sưu tập bài làm, thí nghiệm khoa học, và báo cáo chủ đề trong lớp, thường được qui thành đánh giá kỹ năng thực hành. Chú ý các câu hỏi đóng thuộc loại lựa chọn cho phép người ra đề được quyền kiểm soát tuyệt đối vì người ra đề định ra cả câu hỏi lẫn các tùy chọn để trả lời. Câu hỏi thuộc loại mở cho phép người ra đề chỉ kiểm soát được phần câu hỏi mà thôi vì trách nhiệm trả lời thuộc về học sinh.

Đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh

+ Đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục khác, trong đó bao gồm cả quá trình vận dụng kiến thức, kĩ năng ở nhà trường, gia đình và cộng đồng.

- Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên sử dụng các kĩ thuật quan sát, theo dõi; trao đổi, phỏng vấn; kiểm tra nhanh (phiếu, vở); nhận xét (lời, viết)...

- Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân, nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện.

+ Tham gia đánh giá thường xuyên hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập theo yêu cầu cần đạt từng môn học, hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học gồm: giáo viên, học sinh (tự đánh giá và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp); khuyến khích sự tham gia đánh giá của cha mẹ học sinh.  

+ Để thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình tổ chức dạy học từng giờ học, căn cứ vào đặc điểm và yêu cầu cần đạt của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học, giáo viên tiến hành một số việc như sau:

- Quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh theo tiến trình dạy học;

- Nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động của học sinh;

- Quan tâm tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của học sinh; áp dụng biện pháp cụ thể để kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn. Do năng lực của học sinh không đồng đều nên có thể chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Đánh giá thường xuyên phẩm chất, năng lực học sinh

Yêu cầu cần đạt về phẩm chất

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Yêu cầu cần đạt về năng lực chung

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Biểu hiện cụ thể của năng lực đặc thù chẳng hạn như môn Toán góp phần hình thành và phát triển cho học sinh năng lực toán học bao gồm 5 thành phần cốt lõi sau:

- Năng lực tư duy và lập luận toán học;

- Năng lực mô hình hoá toán học;

- Năng lực giải quyết vấn đề toán học;

- Năng lực giao tiếp toán học;

- Năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán.

Yêu cầu cần đạt cho cấp tiểu học được thể hiện trong bảng sau:

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT về đánh giá học sinh lớp 1 có hiệu lực từ 20/10/2020

Đánh giá thường xuyên phẩm chất, năng lực học sinh

a) Đánh giá thường xuyên phẩm chất, năng lực học sinh thông qua các bằng chứng biểu hiện kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các hành động của học sinh.

b) Tiến trình đánh giá gồm các bước cơ bản như: xác định mục đích đánh giá; xác định bằng chứng cần thiết; lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá thích hợp; thu thập bằng chứng; giải thích bằng chứng và đưa ra nhận xét.

Đánh giá thường xuyên năng lực đặc thù

a) Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của các năng lực đặc thù của từng môn học, hoạt động giáo dục (đối với học sinh khi hoàn thành chương trình cấp tiểu học) nêu trong Chương trình môn học, hoạt động giáo dục, giáo viên vận dụng 3.2. để thu thập bằng chứng biểu hiện trong quá trình thực hiện các hành động của học sinh, đưa ra nhận xét để học sinh có thể phát huy, điểu chỉnh để tiến bộ, phát triển.

b) Đánh giá thường xuyên năng lực đặc thù trong quá trình dạy học, chẳng hạn như môn Toán, chú trọng việc lựa chọn phương pháp, công cụ đánh giá các thành tố của năng lực toán học. Cụ thể:

– Đánh giá năng lực tư duy và lập luận toán học: có thể sử dụng một số phương pháp, công cụ đánh giá như các câu hỏi (nói, viết), bài tập,... mà đòi hỏi học sinh phải trình bày, so sánh, phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá kiến thức; phải vận dụng kiến thức toán học để giải thích, lập luận.

– Đánh giá năng lực mô hình hoá toán học: lựa chọn những tình huống trong thực tiễn làm xuất hiện bài toán toán học. Từ đó, đòi hỏi học sinh phải xác định được mô hình toán học (gồm công thức, phương trình, bảng biểu, đồ thị,...) cho tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn; giải quyết được những vấn đề toán học trong mô hình được thiết lập; thể hiện và đánh giá được lời giải trong ngữ cảnh thực tiễn và cải tiến được mô hình nếu cách giải quyết không phù hợp.

– Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề toán học: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nhận dạng tình huống, phát hiện và trình bày vấn đề cần giải quyết; mô tả, giải thích các thông tin ban đầu, mục tiêu, mong muốn của tình huống vấn đề đang xem xét; thu thập, lựa chọn, sắp xếp thông tin và kết nối với kiến thức đã có; sử dụng các câu hỏi (có thể yêu cầu trả lời nói hoặc viết) đòi hỏi người học vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, đặc biệt các vấn đề thực tiễn; sử dụng phương pháp quan sát (như bảng kiểm theo các tiêu chí đã xác định), quan sát người học trong quá trình giải quyết vấn đề; đánh giá qua các sản phẩm thực hành của người học (chẳng hạn sản phẩm của các dự án học tập); quan tâm hợp lí đến các nhiệm vụ đánh giá mang tính tích hợp.

– Đánh giá năng lực giao tiếp toán học: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nghe hiểu, đọc hiểu,  ghi chép (tóm tắt), phân tích, lựa chọn, trích xuất được được các thông tin toán học cơ bản, trọng tâm trong văn bản nói hoặc viết; sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường trong việc trình bày, diễn đạt, nêu câu hỏi, thảo luận, tranh luận các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác.

– Đánh giá năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nhận biết được tên gọi, tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản, ưu điểm, hạn chế của các công cụ, phương tiện học toán; trình bày được cách sử dụng (hợp lí) công cụ, phương tiện học toán để thực hiện nhiệm vụ học tập hoặc để diễn tả những lập luận, chứng minh toán học.

Khi giáo viên lên kế hoạch bài học, cần thiết lập các tiêu chí và cách thức đánh giá để bảo đảm ở cuối mỗi bài học học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản dựa trên các tiêu chí đã nêu, trước khi thực hiện các hoạt động học tập tiếp theo.

Đánh giá định kỳ

Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục:

 - Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

+ Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

+ Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục; 

+ Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục. 

- Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kỳ;

Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

- Đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:

+ Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;

+ Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;

+ Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

- Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Đánh giá định kỳ về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực:

Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua các nhận xét, các biểu hiện trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học sinh, đánh giá theo các mức sau:

- Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên.

- Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên.

- Cần cố gắng: Chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

Tổ chức đánh giá định kì

+ Đánh giá định kì theo quy định này về học tập bằng lượng hóa ĐG sau mỗi giai đoạn học tập (giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học) thành các mức “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành”, “Chưa hoàn thành” được hiểu là qua quá trình quan sát, theo dõi, GV hướng dẫn, giúp đỡ, nắm bắt thông tin về quá trình thực hiện từng yêu cầu học tập đối với từng môn học hoặc hoạt động giáo dục của mỗi HS trong ĐG thường xuyên để GV xem xét:

- Trong quá trình học tập hàng ngày, căn cứ vào yêu cầu cần đạt của mỗi bài học, nếu nhận thấy HS thường xuyên thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục thì ĐGHS đạt mức “Hoàn thành tốt”, chẳng hạn: đối với môn Toán, HS biết tiếp thu và hiểu kiến thức môn Toán; thường xuyên giải bài tập cho kết quả đúng, cách trình bày, diễn giải tốt, thực hiện phép tính nhanh; thể hiện sự yêu thích môn Toán hoặc tỏ ra hứng thú với các vấn đề liên quan đến môn Toán. Mức ĐG này nhằm ghi nhận và khích lệ, tuyên dương HS để tạo điều kiện tốt nhất cho các em phát huy nhiều nhất khả năng của mình đối với môn học hoặc hoạt động giáo dục nào đó. 

- Nếu nhận thấy HS thường xuyên thực hiện được nhưng chưa tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục, thì ĐGHS đạt mức “Hoàn thành”, chẳng hạn: đối với môn Toán, HS biết tiếp thu và hiểu kiến thức môn Toán; đôi lúc giải bài tập cho kết quả chưa đúng, bước đầu biết trình bày, diễn giải vấn đề đối với môn Toán, thực hiện được các phép tính cơ bản; thỉnh thoảng thể hiện sự hứng thú đối với một số vấn đề liên quan đến môn Toán. Mức ĐG này nhằm ghi nhận bước đầu HS đã hoàn thành các yêu cầu học tập, nhưng vẫn cần tích cực phấn đấu để có thể khơi dậy và phát huy hơn nữa khả năng của mình đối với môn học hoặc hoạt động giáo dục nào đó.

- Nếu sau khi thường xuyên giúp đỡ, dành nhiều thời gian để hướng dẫn nhưng nhận thấy HS vẫn thực hiện chưa được yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục, thì ĐGHS ở mức “Chưa hoàn thành”, chẳng hạn: đối với môn Toán, sau khi thường xuyên giúp đỡ, dành nhiều thời gian để hướng dẫn, nhưng HS vẫn tiếp thu chậm và chưa hiểu được kiến thức nào đó trong môn Toán; thường xuyên không biết giải hoặc giải bài tập cho kết quả chưa đúng, thực hiện được các phép tính cơ bản còn nhầm lẫn; hoặc thể hiện sự e ngại, thiếu hứng thú đối với một số vấn đề liên quan đến môn Toán. Mức ĐG này nhằm lưu ý cho HS, CMHS biết HS cần nỗ lực phấn đấu để đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về giáo dục và đạt chuẩn kiến thức kĩ năng đối với môn học hoặc hoạt động giáo dục nào đó.

 Như vậy, kết quả lượng hóa ĐG thường xuyên thành các mức “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành”, “Chưa hoàn thành” cho phép GV, CBQLGD, CMHS xác định được mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của HS so với chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, từ đó có những giải pháp giúp HS khắc phục hạn chế, phát huy tối đa khả năng của mình và ngày một tiến bộ hơn.

Việc kiểm tra định kì được tổ chức theo thời khóa biểu vào buổi học chính khoá, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho HS và CMHS.

Tuyên truyền, giải thích để GV, CMHS hiểu và nhận thức đúng về việc kiểm tra định kì: Bài kiểm tra định kì được GV sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm, góp ý những hạn chế của HS và được chấm điểm. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để xếp loại HS hay để so sánh HS này với HS khác mà chủ yếu để GV, CMHS kiểm chứng lại việc nhận xét, ĐG thường xuyên quá trình học tập của HS sau một giai đoạn học tập (nửa học kì, học kì, năm học). Nếu kết quả bài kiểm tra định kì chưa phù hợp với các nhận xét, ĐG thường xuyên, GV cần xem xét, tìm hiểu nguyên nhân để có thể điều chỉnh cách dạy, cách hướng dẫn, giúp đỡ HS; có thể cho HS làm lại bài kiểm tra khác để xác định thực chất năng lực HS hay hiệu quả của các giải pháp giáo dục đã được áp dụng. Mục đích cuối cùng vẫn là vì sự tiến bộ của HS, nhằm giúp HS học được và học tốt.

Nguồn: Tài liệu hội thảo - tập huấn về Thông tư 27/2020/TT - BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

                                                                                                                                     Tổ chuyên môn nhà trường